PDA

View Full Version : Trần Tế Xương



phu ong
12-19-2006, 06:09 PM
I.CUỘC ÐỜI, THỜI ÐẠI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC:
1.Cuộc đời:





Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, đến khi thi Hương mới lấy tên là Trần Tế Xương. Ông sinh ngày 10-8-1871 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh và mất ngày 20-1-1907 ở làng Ðịa Tứ cùng huyện.



Tú Xương là một người rất thông minh, tính tình thích trào lộng. Có nhiều giai thoại kể về cá tính của ông.



Cuộc đời Tú Xương lận đận về thi cử. Tám khoa đều hỏng nên dấu ấn thi rớt in đậm nét trong tiềm thức Tú Xương.



Ông cưới vợ rất sớm. Phạm Thị Mẫn từ một cô gái quê Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ. Tiếng có miếng không, gặp hay chăng chớ trở thành bà Tú tần tảo một nắng hai sương Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng. Ông Tú vẫn có thể có tiền để ăn chơi nhưng gia cảnh nghèo túng, việc nhà trông cậy vào một tay bà Tú.



Có thể nói, việc hỏng thi và cảnh nghèo của gia đình là nguồn đề tài phong phú trong sáng tác của Tú Xương.



2.Thời đại:






Cuộc đời ông nằm gọn trong giai đoạn nước mất, nhà tan.



Năm Tú Xương ba tuổi (1873) Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất rồi tấn công Nam Ðịnh.



Năm mười bốn tuổi (1884) triều đình ký hàng ước dâng đất nước ta cho giặc.



Tuổi thơ của Tú Xương trôi qua trong những ngày đen tối và ký ức về những cuộc chiến đấu của các phong trào khởi nghĩa chống Pháp cũng mờ dần. Nhất là sau cuộc khởi nghĩa của Phan Ðình Phùng (1896) bị thất bại thì phong trào đấu tranh chống Pháp dường như tắt hẳn.



Năm 1897, Pháp đặt nền móng cai trị đất nước, xã hội có nhiều biến động, nhất là ở thành thị. Tú Xương lại sinh ra và lớn lên ở thành thị vào thời kỳ chế độ thực dân nửa phong kiến được xác lập, nền kinh tế tư bản phát triển ở một nước thuộc địa làm đảo lộn trật tự xã hội, đảo lộn đời sống tinh thần của nhân dân. Nhà thơ đã ghi lại rất sinh động, trung thành bức tranh xã hội buổi giao thời ấy và thể hiện tâm trạng của mình.



Có thể nói, đứng trước sự tha hoá của xã hội nên nguyên tắc Tam cương ngũ thường của Tú Xương không đậm như Nguyễn Khuyến và càng xa rời Ðồ Chiểu.



3. Tác phẩm:






Tú Xương mất sớm, ông chua đi trọn con đường sáng tác của mình. Nhưng những tác phẩm Tú Xương để lại có tác dụng như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội thực dân nửa phong kiến trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.



Tú Xương sáng tác rất nhiều và thất lạc cũng nhiều. Ông viết khoảng 151 bài thơ bằng chữ Nôm với đủ các thể loại. Ngoài ra, ông có dịch một số thơ Ðường.



II.NỘI DUNG THƠ VĂN TRẦN TẾ XƯƠNG:

1.Thơ Tú Xương là một bức tranh nhiều vẻ, sinh động về một xã hội thực dân nửa phong kiến:






Trong thơ ông có hình bóng con người và sinh hoạt của xã hội phong kiến cũ đã bị thực dân hóa, và có hình bóng những vật mới, những sinh hoạt mới - sản phẩm của xã hội thực dân nửa phong kiến. Thơ Tú Xương là tiếng nói đả kích, châm biếm sâu sắc và dữ dội vào các đối tượng mà ông căm ghét.



1.1.Ðả kích bọn thực dân Pháp:



Ðốái với thực dân Pháp, tuy chua phải là đối tượng chính để tập trung phê phán nhưng ta vẫn bắt gặp bóng dáng những tên thực dân xuất hiện với dáng vẻ rất buồn cười. Ðó là hình ảnh những ông Tây, bà Ðầm rất nghênh ngang lố bịch (Vịnh khoa thi Hương năm Ðinh Dậu). Với ngòi bút châm biếm sắc sảo, Tú Xương đả kích chúng không khoang nhượng, vạch trần thói gian ác, bần tiện, thủ đoạn kiếm ăn dơ bẩn của chúng bằng bút pháp trào phúng sâu sắc (Ông Cò).



1.2.Ðối với bọn quan lại, tay sai:



Ðề tài này thật ra không có gì mới mẻ so với trước, nhưng cái mới ở đây là bút pháp của Tú Xương có cá tính và mang nét cảm hứng thời sự.



Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh bọn quan lại hiện lên rất phong phú đa dạng. Ðó là những lũ bất tài, dốt nát (Bác Cử Nhu); chúng không khác chi những tên hề (Hát bội).

Ông phê phán trò gian lận, hối lộ, bòn rút của dân không nghĩ gì đến trách nhiệm (Ðùa ông Phủ).



Ông còn vạch trần bản chất làm tay sai của những tên quan lại lúc bấy giờ (Cô hầu gửi quan lớn).



Từ đó thấy được thái độ phẫn uất của Tú Xương trước thực trạng xã hội và ông đã dùng ngòi bút của mình để lên án, phê phán những con người, những hiện tượng trái tai, gai mắt.



Nhà thơ đã dựng lại chân dung của bọn quan lại, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều rất sắc cạnh, cụ thể. Một tên quan huyện Mình trung đâu đấy trách người trinh, một ông Aám Chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi, ông Ðốc cờ bạc ăn chơi rặt một màu, ông Cử Sách như hủ nút, chữ như mù, một cô Bố Chồng chung, vợ chạ, một chú Hàn thì Ðậu lạy, quan xin… và cả một xã hội lố lăng, rởm đời với quý vị phu nhân, các cậu ấm tử, sư sãi… cũng được Tú Xương tái hiện, sinh động, cụ thể:



Hai cậu con con đóng vai ấm tử, lỗi bếp bồi cậu cũng như nhau.

Ðôi đức bà lên mặt phu nhân, ngón đĩ thỏa bà nào cũng nhất.

Nhất tắc mộ sư mô chi cực, nay chùa này, mai chùa khác, mở lòng từ tô tượng, đúc chuông.

Nhất tắc ham chài lái chi khu, lên mành nọ xuống mành kia, che miệng thế đong dầu rót mật

(Khai lý lịch)



1.3.Ðối với khoa cử, nho học:



Trong bức tranh xã hội của Tú Xương còn có những nho sĩ đi thi, những ông Nghè, ông Cống; có hình ảnh của trường thi, của một nền nho học đang xuống dốc trầm trọng. Thời Tú Xương không còn tìm thấy hình ảnh uy nghi, trang trọng của một trường thi chữ Hán xưa kia nữa mà nó đang lùi dần trước uy thế của kẻ thù.



Ông phản ánh thực trạng nho học suy đồi bằng tiếng thở dài áo não (Than đạo học). Ông còn chế giễu những người kéo nhau đi thi ở những trường lớp mới mở của thực dân (Ðổi thi).



Trong buổi lễ xứng danh khoa Ðinh Dậu, nhà thơ đã vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh về cảnh trường thi cảnh ngao ngán của sĩ tử trước thực trạng nước mất, nhà tan, sĩ khí tiêu điều, bút lông hết được săn đón Vứt bút lộng đi giắt bút chì. Ðó là hình ảnh:



Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra



Cái tàn tạ của nho học được Nguyễn Bính ghi lại:
Mực tàu giấy bản là đây

Nước non đi hết những người áo xanh

Lỡ duyên bút tóc củ hành

Trường thi Nam Ðịnh biến thành trường bay.



Tú Xương than thở cho số phận của một ông Nghè, ông Cống và giễu cả những ông Phán:

Nào có gì lạ cái chữ nho

Ông nghè, ông cống cũng nằm co

Sao bằng đi học làm ông Phán.
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

(Chữ nho)



1.4. Phê phán thế lực đồng tiền:



Trước Tú Xương, nhiều tác giả Việt Nam cũng như nừơc ngoài đã lên án sức mạnh đồng tiền. Nó chi phối tư tưởng và hành động của con người. Ðến thời Tú Xương, đồng tiền lại một lần nữa gây đảo điên xã hội nhất là ở thành thị. Nó làm cho đạo đức suy đồi từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.



Tú Xương đã mắng nhiếc cái xã hội đã hỗn loạn lên vì đồng tiền (Ðất Vị hoàng, Vị Hoàng hoài cổ)



Có thể thấy bức tranh xã hội của Tú Xương bị tha hóa đến trầm trọng. Nào là cảnh:



Ở phố Hàng Song thật lắm quan

Thành thì đen kịt, độc thì lang

Chồng chung vợ cha kìa cô Bố
Ðậu lại quan xin nọ chú Hàn

( Phố Hàng song)



Vì đồng tiền, con người lường gạt nhau để sống, đối xử với nhau không ra gì. Tình nghĩa cha con, vợ chồng, tình yêu, tình bè bạn . . . đều bị chà đạp bởi thế lực của đồng tiền. Bài thơ Mùng hai tết viếng cô Ký, Ðể vợ chơi nhăng đã phê phán thói đời thật đáng sợ. Ông chồng khóc vợ chết chỉ vì thương cái xe tay. Còn vợ đối với chồng thì Trăm năm tuổi lại trăm thằng



Ngòi bút Tú Xương đã khái quát bức tranh hiện thực sinh động về một xã hội lố lăng, rởm đời, có những cảnh khá nực cười, những cảnh chướng tai, gai mắt cứ nhan nhản xuất hiện trong thơ Tú Xương ( Năm mới, Thói đời, Chữ nho):



Khăn là bác nọ lo tày rế,

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.

Công đức tu hành sư có lọng,

Xu hào xủng xoảng mán ngồi xe.

( Năm mới)



Hay cảnh nực cười khác:

Chí cha chí chát khua giày dép,

Ðen thủi đen thui cũng lụa là.



1.5 Lên án những thói hư tật xấu của thời đại:



Phê phán những người hành đạo mà lòng dạ xấu xa và hành vi bẩn thỉu như cảnh sư sãi vụng trộm trong chùa, sư cho vay nặng lãi, sư chứa của gian đến nỗi phải ở tù (Sư ở từ, Ông sư và mấy ả lên đồng)



Ông còn lên án thói đồng bóng, cho đồng bóng là trò mê tín giả dối không thể chịu được:

Ðồng giỏi sao đồng không giúp nước

Hay là đồng sợ súng thần công.



Phê phán những phong tục xa hoa, phù phiếm trong ngày tết ý tứ mỉa mai trước thực trạng nước mất, nhà tan (Thói đời), vạch trần những tâm lý giả dối, sáo rỗng của con người trong ngày tết bằng lời lẽ châm biếm sắc sảo. Bài thơ Chúc tết đã chế giễu độc địa và sâu sắc:

Lẵng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giả trầu.


Nó lại chúc nhau cái sự sang!

Ðứa thời mua tước đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.



Nó lại mừng nhau cái sự giàu!

Trăm ngìn vạn mớ để vào đâu?

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,

Ðồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu



Nó lại mừng nhau sự lắm con

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.





2. Thơ Tú Xương là tiếng nói tâm tình trĩu nặng đau xót:




2.1. Nỗi đau xót về bản thân và thời cuộc:



- Về bản thân:

Gánh nặng đeo đẳng nhà thơ suốt đòi là nợ lều chõng. Ban đầu hỏng thi, ông còn cười cợt, còn tự nghĩ cách để an ủi mình. Nhưng các khoa thi sau ( 1903, 1906) ông càng thất vọng, càng chua chát. Tú Xương ngày càng đau buồn, chán nãn, tuyệt vọng và cay cú:

Học đã sôi cơm nhưng chữa chín.

Thi không ăn ớt thế mà cay



Ðến khoa thi cuối ( 1906) tiếng thở dài của Tú Xuơng càng áo não và bi thiết hơn nhiều:
Bụng buồn còn biết nói năng chi

Ðệ nhất buồn là cái hỏng thi

Một việc văn chương thôi cũng nhảm

Trăm năm thân thế chẳng ra gì

( Buồn thi hỏng)



Ở đây, dù đau vì thi rớt, vì công danh không thành đạt nhưng Tú Xương vẫn ít ủy mị và luôn tỏ thái độ khôi hài, lúc nào nụ cười trào phúng cũng đến với ông. Qua những lời tự trào, tư thú về mình càng thấy rõ con người và tính cách Tú Xương:



Tú Xương tự khoe về sự ăn chơi của mình:

Nghiện chèm nghiện rượu, nghiện cả cao lâu,

Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng.

Quanh năm phong vận, áo hàng Tàu, khăn nhiễu tím, ô Nhật Bản anh,

Ra phố nghênh ngang, quần Tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Ðịnh bóng . . .

( Phú hòng thi)



- Về cảnh nghèo: Qua thơ ông, gia cảnh nhà ông hiện lên rất áo não và bi thiết

( Mùa nực mặc áo bông) Nhà thơ từng thấm thía cảnh chạy ăn, vay nợ, nhiều lúc ông phải gào lên:

Van nợ lắm khi trào nước mắt

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi

( Than nghèo)



Trong hoàn cảnh nào, Tú Xương vẫn cười cợt, châm biếm, nói ngông. Vì nghèo quá, ông đã tính đến chuyện đi tu nhưng không phải tu vì đạo lý mà tu vì tấm áo (Nghèo), rồi nghĩ đến chuyện làm mứt rận đãi gai đình trong ngày tết, có những ý nghĩ ngông nghênh, hợm hĩnh ( Mứt rận), hoặc nhiều lúc ông đâm ra chán chường tuyệt vọng:

Ngủ quách sự đời thây đứa thức.

Bên chùa chú trọc đã khua chuông.

( Ðêm hè)

Vốn là con nhà trào phúng nên trong hoàn cảnh nào nhà thơ vẫn có thể cười cợt, vẫn bông đùa:

Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chữa lĩnh tiêu



Ðúng là nói cho vui, chứ kho đâu mà lĩnh, tiền đâu mà tiêu? Chính cái nghịch lý này đã hình thành nên tính cách của Tú Xương.



2.2. Nỗi lo lắng thầm kín của Tú Xương trước thời cuộc và vận mệnh đất nước:



- Tình cảm của Tú Xương đối với nhân dân:

Ðối với người nghèo như những người học trò, những người nông dân chân lắm tay bùn (Thề với ăn xin) . . . những dòng thơ của Tú Xương chứa chan tình cảm và đầy lòng ưu ái (Ðại hạn)



Hoặc ở một bài thơ khác, tâm trạng Tú Xương càng thể hiện rõ hơn:

Ỳ ào tiếng học nghe không rõ
Mát mẻ nhà ai ngủ hẳn lâu

Ông lão nhà quê tan tản dậy,

Bảo con đem đó, chớ đem gầu . . .



Ðối với người phụ nữ, hình ảnh họ hiện lên thật đáng thương, họ không những khổ sở về vật chất mà còn bị đau đớn về mặt tinh thần Thương vợ là một bài thơ tiêu biểu của Tú Xương viết về vợ:



Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.



Nỗi u hoài kín đáo của Tú Xương trước thời cuộc và vận mệnh đất nước thường triền miên, day dứt:

Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà

( Vịnh khoa thi Hương năm Ðinh dậu)



Nhà thơ thường thao thức suốt đêm dài để lặng lẽ suy tư và thấy được cái heo hút Vắng lặng của đêm trường:

Ðêm sao đêm mãi tối mò mò,

Ðêm đến bao giờ mới sáng cho.

Ðàn trẻ u ơ chừng muốn dậy,

Ông già thúng thắng vẫn đang ho.

Ngọn đèn rình trộm khêu còn bé,

Tiếng chó kinh người cắn vẫn to.

Hàng xóm bốn bề ai dậy chửa,

Dậy thì lên tiếng gọi nhà nho.

( Ðêm dài)



Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ vẫn còn tỉnh táo để nhận ra mình:

Kìa cái đêm nay mới gọi đêm

Mắt giương không ngủ bũng không thèm

Tình này ai thấu cho ta nhỉ

Tâm sự năm canh một bóng đèn.



Ðiểm sáng nhất, xúc động nhất trong thơ ông là ở tình này. Ðó là tình cảm của ông đối với quê hương đất nước.



Nỗi đau khi nhìn thấy đất nước đổi thay mà bản thân ông thì không làm gì thay đổi thời cuộc ( Sông lấp). Bài thơ chứng tỏ Tú Xương vẫn là người nặng tình đời và tha thiết với cuộc sống. Mặc dù có lúc ông đâm ra bối rối, lạc lõng, mất phương hướng trước bao biến đổi của thời cuộc:

Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt,

Ðợi nước càng thêm tóc bạc phơ

Ðường đất xa khơi ai mách bảo?

Biết đâu mà ngóng dến bao giờ?

( Lạc đường)



Lòng yêu nước của Tú Xuơng còn thể hiện qua sự khâm phục của Tú Xương đối với những người có tài, có đức ra cứu đời, giúp nước:

Vá trời gặp hội mây năm vẻ
Lấp bể ra công đất một hòn

( Gửi cụ thủ khoa Phan)



Tuy không đủ dũng khí để đi vào cuộc cách mạnh như bao nghĩa sĩ yêu nước khác nhưng ông có cảm tình nồng hậu đối với những người làm cách mạng. Hình ảnh Phan Bội Châu Vá trời, lấp bể đã đến với Tú Xương bằng tất cả sự kính mến, khâm phục.



3. Triết lý sống của Tú Xương giữa thời buổi loạn ly của đất nước:


TOP

Triết lý sống của Tú Xương đặc biệt không giống ai giữa thời buổi loạn ly. Ông sống giả câm, giả điếc, làm ngơ trước dư luận. Sống như ông phải có kiểu cách riêng, giống như hình ảnh của chú Mán ở Nam Ðịnh:

Khi để chỏm, lúc cạo đầu

Nghêu ngao câu hát nửa tàu, nửa ta

Chẳng đội nón chịu màu da dãi nắng,

Chẳng nhuộm răng để trắng dễ cười đời,

Chốn quyền môn lòn cúi mặc ai,

Ngoài cương tỏa thảnh thơi ai đã biết.

( Chú Mán)



Thái độ sống khác của Tú Xương có phải chăng là thái độ chống đối của nhà thơ trước thời cuộc? Ông không muốn hòa vào cuộc sống ngột ngạt không lối thoát này, không muốn hợp tác với cái văn minh trong thời kỳ nước mất, nhà tan. Giữa bao cái rối rắm mà mọi người đang tìm cách chen chân vào thì Tú Xương tách khỏi nó. Từ đó thể hiện sự yêu thích tự do, không chịu cúi lòn làm nô lệ.



Triết lý sống của Tú Xương nếu đem đặt bên cạnh triết lý sống của các nhà chiến sĩ yêu nước là xả thân vì nước lúc bấy giờ thì triết lý sống của Tú Xương có phần nhạt nhẽo, vô vị. Nhưng nói chung, triết lý sống của ông đã phần nào phản ảnh được tâm trạng của lớp người sống trong thời buổi không đành tâm theo giặc cũng không cầm vũ khí chống giặc.



III. NGHỆ THUẬT THƠ VĂN TRẦN TẾ XƯƠNG:

1. Kết cấu:


TOP



1.1.Thơ trào phúng của Tú Xương hết sức đa dạng và phong phú.

Có bài thơ vừa có hiện thực vừa có trào phúng. Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật, Tú Xương sử dụng tiếng cười làm vũ khí. Ở Tú Xương không có cái nhàn nhạt, cái lưng chừng, cười là cười phá, chửi là chửi độc, chua chát đến ứa mật, ứa máu.



Có những bài tự trào, tự khoe về mình, dùng ngôn ngữ lấp lững, ỡm ờ, hoặc những từ hoàn toàn thô tục . . . Tứ thơ thường độc đáo, đột ngột, táo bạo gây sự chú ý và bám vào linh hồn của chủ đề. Tú Xương đã quàng vào cổ ông Hàn nọ ( Vốn làm nghề nấu rượu) những xâu, chai, lọ, vung, nồi lổn nhổn:
Hàn lâm tu soạn kém gì ai?

Ðủ cả vung nồi, cả cóng chai

( Ðưa ông hàn)



Cái tài tình của Tú Xương là chợp đúng cái thần của sự vật bằng một vài nét điển hình, rồi với cách nói thẳng thừng, táo bạo và hài hước của mình, ông phơi bày cái lõi của sự thật cho mọi người xem có khi ở câu đầu:

Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời rằng thằng bé nó hay chơi

( Tự cười mình)



Có khi ở cuối câu:

Cụ Xứ có cô con gái đẹp

Lăm le xin bố cưới làm chồng

( Ði thi nói ngông)

Có khi mượn lối chơi chữ:

Ấm không ra ấm, ấm ra nồi
Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi

( Bỡn ông ấm Ðiềm)



Có lúc nhân cái mồm tu hú của đối tượng mà hạ một ý thật lạ lùng:

Cậu này ắt hẵn hay nghề sáo,

Dây vũ dây văn vụng ngón đàn

( Thông gia với quan)



Hoặc mở đầu bài thơ Ðể vợ chơi nhăng là đánh thẳng đối tượng là anh chồng ngu”:

Thọ kia mày có biết hay chăng

Con vợ mày kia xiết nói năng

Vợ đẹp của người không giữ được
Chồng ngu mượn đứa để chơi nhăng



Nhưng mục đích chính là đả kích mụ vợ, nên khổ thơ cứ dồn dập và quyết liệt:
Ra đường đáng giá người trinh thục

Trong bụng sao mà những gió trăng,

Mới biết hồng nhan là thế thế,

Trăm năm, trăm tuổi, lại trăm thằng.



Có thể nói, Tú Xương đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kết cấu trong thơ trào phúng, trước hết vì tiếng cười của ông là sự phê phán của một lý trí và cảm xúc nhạy bén của con tim nên tiếng cười trào phúng của Tú Xương rất chắc, hiệu quả cao.



1.2.Thơ trữ tình của Tú Xương:



Lời thơ nhuần nhuyễn, ý thơ gần gũi, sâu lắng.

Các bài thơ tiêu biểu Ðêm hè, Ngẫu hứng, Sông lấp, Gửi cụ thủ khoa Phan, Nhớ bạn phương trời . . . thể hiện cái sâu xa trong tâm trạng của ông đó là tinh thần dân tộc, tuy có giới hạn nhưng rất đáng quý, đã hình thành nên tính cách Tú Xương.



Ông có những bài thơ thể hiện tình cảm lãng mạn cũng khá hiện đại:

Em gửi cho anh mãnh lụa đào

Không biết rằng em bán thế nào

( Tặng người quen)



Ðề tài thơ trữ tình của Tú Xương tuy không phong phú và đa dạng như thơ trào phúng nhưng cũng rất sâu sắc và đậm đà. Nhà thơ sử dụng nhiều chi tiết từ cuộc sống nên tứ thơ rất sinh động, nhiều chi tiết xác thực như bản thân đời sống . Hình ảnh bà Tú được tái hiện bằng những nét rất thực:
Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

( Thương vợ)



Bài thơ Nhớ bạn phương trời đã đi sâu vào thế gới tâm trạng, tràn ngập cảm xúc trữ tình của nhà thơ đối với nhà cách mạng Phan Bội Châu.

Ta nhớ người xa cách núi sông,

Người xa, xa lắm nhớ ta không?

Sao đang vui vẻ ra buồn bã

Vừa mới quen nhau đã lạ lùng

Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng

Khi riêng riêng đến cả tình chung

Tương tư lọ phải là trai gái,

Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.



1.3.Sự kết hợp hai yếu tố hiện thực và trữ tình:



Rất độc đáo và sâu sắc. Kết cấu bài thơ không gò bó. Tính phóng túng trong suy nghĩ cũng như trong tính tình đã đem vào khuôn khổ thể thơ bảy chữ tám câu nhiều nét mới đã phá vỡ mọi qui định:



Việc bác không xong tôi chết ngay!
Chết ngay? Như thế vội vàng thay!

( Bỡn người làm mối)



Hỏi lão đâu ta?- Lão ở Liêm

Trông ra bóng dáng đã hom hem

( Già chơi trống bỏi)



Người đói ta đây cũng chẳng no,

Cha thằng nào có tiếc không cho

( Thề với ăn xin)



Rất nhiều bài thơ của Tú Xương có sự kết hợp hài hòa hai yếu tố hiện thực và trữ tình (Vịnh khoa thi hương năm Ðinh Dậu, Thương vợ, Thề với ăn xin . . .)



Nói về sự kết hợp giữa hai yếu tố hiện thực và trữ tình trong một bài thơ, Nguyễn Tuân cho rằng: Sở dĩ thơ Tú Xương không bị tắt gió, không bị bay ra khỏi là vì thơ Tú Xương đã đi bằng hai chân hiện thực và lãng mạn, là vì thi pháp của Tú Xương phối hợp cả hiện thực và trữ tình



2. Ngôn ngữ và chất liệu dân gian:


TOP

2.1. Ngôn ngữ:

2.2.

Tú Xương là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh. Ngôn ngữ giản dị, chính xác, uyển chuyển, gợi hình và có tính chất dân gian ( Ði hát mất ô) được xem là bài duyên dáng, hóm hĩnh, độc đáo của Tú Xương vì ông đã thể hiện được cái thần của bài thơ.



Sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, tươi mát, tự nhiên mà vẫn thanh nhã, óng chuốt. Mấy câu sau đây như lời nói ở cửa miệng, không thêm bớt mà rất chân thành:

Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà,

Trước nhà có miếu, có cây đa

Cửa hè sân ngõ chừng ba thước,

Nửa tá tre pheo đủ một tòa . . .

( Ông ấm Ðiềm)



Hoặc đây là cách nói ngang tàng nhưng rất tự nhiên:
Gái tơ đi lấy làm hai họ

Năm mới vừa sang được một ngày

( Viếng cô Ký)



Hai họ là vợ hai, đối với Một ngày tức mùng một tết. Vậy câu thơ chỉ giữ cái vỏ của phép đối mà vượt qua những ràng buộc khác khiến cho lời thơ của Tú Xương không những êm tai, sướng miệng mà còn rất độc đáo, có giá trị châm biếm cao.



2.2.Chất liệu dân gian:



Nhiều thành ngữ dân gian, ca dao đã đi vào thơ Tú Xương bằng sự sáng tạo riêng.

Các thành ngữ như Học đã sôi cơm, thi không ăn ớt, vuốt râu nịnh vợ, quắc mắt khinh đời, năm nắng mưới mưa, thân cò lặn lội . . . đã được Tú Xương vận dụng khá độc đáo trong thơ.

Vuốt râu nịnh vợ con bu nó

Quắc mắt khinh đời cái bộ anh.



Tú Xương rất am hiểu ca dao, nhiều câu ca dao còn thể hiện cái tình tứ, duyên dáng, hóm hỉnh của nhà thơ.



Ai ơi còn nhớ ai không?

Trời mưa một mảnh áo bông che đầu

Nào ai có tiếc ai đâu

Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?

Người đi tam đảo, ngũ hồ.

Kẻ về khóc trúc, than ngô một mình.

Non non, nước nước, tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ

( Áo bông che đầu)





IV. KẾT LUẬN:



Về nội dung, thơ trào phúng và trữ tình của Tú Xương có giá trị hiện thực cao. Thơ Tú Xương là tiếng nói, là nỗi lòng của tầng lớp nho sĩ đang đứng giữa thời cuộc không đành tâm theo giặc cũng không cầm vũ khí chống giặc.



Về nghệ thuật, cả hai mặt trào phúng và trữ tình, Tú Xương xứng đáng là nhà thơ lớn của dân tộc, xứng đáng được Yên Ðỗ ( Nguyễn Khuyến) nhà thơ cùng thời xếp vào loại thi hào bất tử :
Kìa ai chín suối Xương không nát

Có nhẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.

phu ong
12-19-2006, 07:09 PM
ÁO BÔNG CHE BẠN


Ai ơi, còn nhớ ai không ?
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu.
Nào ai có tiếc ai đâu ?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô ?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc than ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ...


ÔNG ẤM


Ấm không ra ấm, ấm ra... nồi,
Ấm chạy lăng quăng ấm chẳng ngồi.
Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu (*)
Luộc giò, ninh thịt, lại đồ xôi!

Gọi "ông ấm" vì con nhà dòng dõi.

(*)Ấm là vật dụng quí sang ,chỉ để pha trà.Nhưng ấm "nồi "nầy không,đánh bạn với các thứ chén tách ,mà hoàn toàn làm việc ninh nấu của...nồi.


Ông cử Ba


Cửa Vũ, ba nghìn sóng nhảy qua (1)
Ai ngờ mũ áo đến ...ba ba (2)
Đầu như lươn đất mà không lấm (3)
Thân tựa xà hang cũng ngó ra (4)
Dưới nước chẳng ưa, ưa trên cạn
Đất sét không ăn, ăn thịt gà!
Tuy rằng cổ rụt mà không ngỏng
Hễ cắn ai thì sét mới tha! (5)

(1)Vượt qua được cửa Vũ Môn (cá chép hóa rồng ,thí sinh thi đỗ )
(2)Chơi chữ :"cử Ba " và "con ba ba "
Đáng lẽ mũ áo chỉ đến với cá chép đã hóa rồng ,nhưng bây giờ lại ban cho.."ba ba "
(3)Do câu : "thân lươn bao quản lấm đầu "
(4)Rắn núp trong hang ngó ra ,vênh váo
(5)Con ba ba rất là ác...cắn ai thì trời gầm (sấm sét ) mới nhã. Ý nói cử Ba tàn ác với dân

ÔNG CỬ THỨ NĂM



Ông cử thứ năm, con cái ai ? (1)
Học trò quan đốc Tả Thanh Oai.
Nghe tin, cụ cố cười ha hả
Vứt cả dao cầu xuống ruộng khoai!
Thứ năm, ông cử ai làm nổi,
Học trò quan đốc tỉnh Hà Nội ?
Nghe tin, bà cố cười khì khì
Đổ cả riêu cua xuống vũng lội! (2)

(1)Ông cử nầy bố là ông lang ,mẹ bán bún riêu ,may đỗ cao (thứ năm ),thực học cũng xoàng
(2)Trong bài nầy ,Tú Xương đã phá niêm luật thơ đường ,tạo nên một vần "ai" rất mới.....!

ÔNG CÒ


Hà Nam, danh giá nhất ông cò (1)
Trông thấy ai ai chẳng dám ho.
Hai mái trống toang đành chịu dột (2)
Tám giờ chuông đánh phải nằm co. (3)
Người quên mất thẻ âu trời cãi,
Chó chạy ra đường có chủ lo. (4)
Ngớ ngẩn đi xia, may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to! (5)

(1)ông cò : cảnh sát
(2)Vì muốn lợp nhà phải xin phép lôi thôi
(3)Phép giới nghiêm ,từ 8 giờ tối không ai được ra đường
(4)Không mang thẻ thân ,để chó chạy ra đường đều bị phạt nặng
(5)Bắt được kẽ đi xia để phạt ,tức...kiếm ăn to.


ÔNG HÀN



Hàn lâm tu soạn kém gì ai ? (1)
Đủ cả vung, nồi, cả cóng chai (2)
Ví thử quyển thi ông được chấm
Đù cha đù mẹ đứa riêng ai!

Tức hàn Triệu, vốn chỉ là tay nấu rượu, buôn bán, chạy được chút phẩm hàm.

(1)Hàn lâm tu soạn :tức tu thư ,ngang hang` thất phẩm
(2)Tu soạn gì?Tu soạn toàn dụng cụ nấu...rượu !

ÔNG HÀN BỊ VỢ DỌA BỎ


Ông đã ơn vua một chữ "hàn" (1)
Nay lành mai vỡ khéo đa đoan!
Được thua hai ngả, ba câu chuyện
Khôn dại trăm năm một tiếng đàn.
Chim chuột sau này, nên gắng sức...
Lợn gà thủa ấy đã nên oan.
Có ai làm thủng, ông không biết,(2)
Còn phải mang điều với gái ngoan.

(1)Tức chữ "hàn lâm ",trong bài thơ tác giã chơi chữ với nghĩa "hàn gắn ",kể cả hàn gắn "tình " lẫn hàn "xông nồi "!
(2)Tài của ông "hàn " chỉ có thể biết xông nồi lành hay thủng ,còn...gái thì ông chịu không biết gì...

ÔNG TIẾN SỈ MỚI


Tiến sĩ khoa này đỗ mấy người ?
Xem chừng hay chữ có ông thôi!
Nghe văn mà gớm cho văn nhỉ (*)
Cờ biển vua ban cũng lạ đời!

(*) có bản chép : cho ông mãi

ĐAU MẮT


Vui chẳng riêng ai, ốm một mình,
Hỏi ai, ai cũng chỉ mần thinh.
Vừa đồng bạc lớn, ông lang Sán (1)
Lại mấy hào con, chú ích Sinh (2)
Hỏi vợ, vợ còn đi chạy gạo,
Gọi con, con mải đứng chơi đinh.
Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ ?
Gương mắt trông chi buổi bạc tình ?

(1) ông lang Sán : hiệu thuốc Bắc
(2)chú ích Sinh :hiệu thuốc Bắc

ĐẠI HẠN

Dạo này đá chảy với vàng trôi
Thiên hạ mong mưa đứng lại ngồi
Ngày trước biết gì! Ăn với ngủ
Bây giờ lo cả nước cùng nôi.
Trâu mừng ruộng nẻ cày không được
Cá sợ ao khô vượt cả rồi.
Tình cảnh nhà ai nông nỗi ấy
Quạt mo phe phẩy một mình tôi.

phu ong
12-19-2006, 07:56 PM
ĐẠO ĐỨC GIẢ



Hỏi lão đâu ta ? Lão ở Liêm
Trông ra bóng dáng đã hom hem.
Lắng tai, non nước nghe chừng nặng (1)
Chớp mắt trăng hoa, giả cách nhèm (2)
Cũng đã sư mô cùng đứa trẻ (3)
Lại còn tấp tểnh với đàn em.
Xuân thu ướm hỏi đà bao tá ?
Cái miếng phong tình vẫn chửa khem.

(1)nghe chừng nặng : nặng tai
(2)giả cách nhèm :giả mắt kèm nhèm để sán lại nhìn gái
(3)Ra vẻ mô phạm với người ít tuổi

ĐẤT VỊ HOÀNG

Có đất nào như đất ấy không ?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông.
Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Keo cú người đâu như cứt sắt
Tham lam chuyện thở những hơi đồng.
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh
Có đất nào như đất ấy không ?

Vùng đất có sông Vị Hoàng chảy qua (thuộc tỉnh Nam Định trước đây), quê hương của Tú Xương.
ĐỂ VỢ CHƠI NHĂNG

Thọ kia mày có biết hay chăng ?
Con vợ mày kia, xiết nói năng!
Vợ đẹp, của người không giữ được,
Chồng ngu, mượn đứa để chơi nhăng.
Ra đường đáng giá người trinh thục
Trong dạ sao mà những gió trăng ?
Mới biết hồng nhan là thế thế.
Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng!
ĐỒNG TIỀN

Phàm kim chi nhân, duy tiền nhi dĩ (1)
Hết tiền tiêu, tráng sĩ cũng nằm co!
Chẳng dại khôn cũng chẳng thân sơ,
Có hơi kẽm, tha hồ ngang ngửa!
Thơ rằng:
Toán lai thế sự kim năng ngữ
Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh (2)
Dơ dáng thay những mặt tài tình
Co quắp lắm cũng ra hình thủ lỗ (3)
Tiền dẫu hết, hết rồi lại có
Chữ bất nhân tạc đó không mòn.
Ai ơi giữ lấy lòng son!

(1)Người đời nay,thường chỉ tiền (vàng ) mới có thể....(giải quyết mọi sự )
(2)Tính lại việc đời thì vàng (tiền ) có thể biết nói năng ,nói đến nhân tình (cảnh con người )lưởi kiếm muốn kêu lên
(3)Ý nói :kể cả những kẽ tài tình mà ham hố với đồng tiền quá cũng thành kẽ ki bo ,bẩn thỉu

ĐỔI THI

Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!

ĐÊM DÀI


Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng loà,
Đêm sao đêm mãi thế ru mà ?
Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết
Xao xác năm canh một tiếng gà.
Chim chóc hãy còn nương cửa tổ
Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa.
Nào ai là kẻ tìm ta đó
Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà!

ĐÊM HÈ


Trời không chớp bể với mưa nguồn,
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng
Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông.
Khăn khăn áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút nghiên nghiên khéo giở tuồng.
Ngủ quách, sự đời thây kẻ thức
Bên chùa chú trọc đã hồi chuông.

ĐÙA BẠN Ở TÙ



Cái cách phong lưu, lọ phải cầu!
Bỗng đâu gặp những chuyện đâu đâu,
Một ngày hai bữa cơm kề cửa,
Nửa bước ra đi, lính phải hầu.
Trong tỉnh, mấy toà quan biết mặt
Ban công ba chữ gác ngang đầu. (*)
Nhà vuông thong thả nằm chơi mát,
Vùng vẫy tha hồ thế cũng âu!

(*) Ba chử khẩu : tạo thành hình cái gông

ĐI HÁT MẤT Ô


Đêm qua anh đến chơi đây
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm.
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ.
Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ưỡm à không thưa.
Chỉ e rày gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình ?

ĐI THI


Tấp tểnh người đi tớ cũng đi,
Cũng lều cũng chõng cũng vào thi.
Tiễn chân, cô mất hai đồng chẵn, (1)
Sờ bụng: thầy không một chữ gì!
Lộc nước còn mong thêm giải ngạch (2)
Phúc nhà nay được sạch trường qui.
Ba kì chọn vẹn thêm kì nữa,
Ú ớ u ơ ngọn bút chì. (3)

(1) Cô : Vợ tác giả
(2)giải ngạch :mong lấy thêm người đỗ
(3)Tú897 ,kì thứ 4 " quốc ngữ " viết các chữ như a ,ă.â..v...v...Nhà nho dùng bút chì vẽ các chữ nầy ,vừa tức cười vừa tủi nhục

phu ong
12-19-2006, 08:40 PM
ĐI THI NÓI NGÔNG



Ông trông lên bảng thấy tên ông
Ông tớp rượu vào, ông nói ngông. (1)
Trên bảng năm hai thầy cử đội (2)
Bốn kì mười bảy cái ưu thông (3)
Xướng danh tên gọi trên mình tượng (4)
Ăn yến xem ra có thịt công.
Cụ xứ có cô con gái đẹp (5)
Lăm le xui bố cưới làm chồng!

(1)Tác giả tưởng tượng một cách ngông
(2)Lệ thi chỉ lấy đậu 50 cử nhân ,mà trên bảng lại có 52 vị cử nhân đứng dưới tác giả ! ( nói ngông )
(3)Cả 4 kì ,tối đa mới có 16 điểm ưu ( ưu thông ) mà tác giả được những 17 điểm !
(4)Người xướng danh thí sinh thi đỗ ngồi trên mình voi
(4)Cụ xứ: Cụ Hàn doãn Trực ,đỗ đầu xứ ,có 2 con gái đẹp đang kén chồng đỗ cử nhân

BA CÁI LĂNG NHĂNG


Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà !

BỠN ÔNG ẤM ĐIỀM


Tôi hỏi thăm ông đến tận nhà
Trước nhà có miếu, có cây đa.
Cửa hè sân ngõ chừng ba thước,
Nứa lá tre pheo đủ một toà.
Mới sáu bận sinh đà sáu cậu,
Trong hai dinh ở, có hai bà.
Trông ông mốc thếch như trăn gió
Ông được phong lưu tại nước da.(*)

(*)Bài thơ chế giễu một hạng người sống rất tủn mủn ,bẩn thỉu

BỠN TRUI PHỦ XUÂN TRƯỜNG



Tri phủ Xuân Trường được mấy niên (*)
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ "thôi" chữ "cứu" không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ "tiền"!

(*) Thuộc tỉnh Nam Định ,Tri phủ nguyên là bạn Tú Xương ,sau khi làm quan đâm ra quen thói tham nhũng

BỢM GIÀ



Thầy thầy tớ tớ, phố xênh xang,
Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng.
Kiện hết sở Tuần, vô sở Sứ
Khi thì thầy số, lúc thầy lang.
Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm,
Phong lưu đài các giống ông hoàng.
Phong lưu như thế phong lưu mãi
Điếu ống, xe dài độ mấy gang ?

Một tay bợm đóng nhiều vai, thầy lang, thầy bói, thầy dùi. Tên này thường luồn lọt vào các công sở để xui nguyên giục bị kiện nhau.

BÁC CỬ NHU


Sơ khảo khoa này, bác cử Nhu (1)
Thực là vừa dốt lại vừa ngu (2)
Văn chương nào phải là đơn thuốc! (3)
Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu!

(1)Cử NHu : con nhà bán thuốc Bắc,học lực tầm thượngNhu*ng có bằng cử nhân,được cử làm chủ kì thi sơ khảo trường thi Nam Định khoa Canh Tí (1900)
(2)Có bản chép :"Sách như hủ nút ,chữ như mù "
(3)Khuyên :Tức dùng bút đỏ khuyên một vòng ở câu văn hay,nhà thuốc Bắc cũng có kiểu đánh dấu vào đơn thuốc lúc bốc thuộc Tác giã chế giễu ông bán thuốc bắc chấm thi

BUỒN THI HỎNG

Bụng buồn còn muốn nói năng chi ?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì!
Được gần trường ốc vùng Nam Định
Thua mãi anh em cánh Bắc Kì.
Rõ thực nôm hay mà chữ tốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.(*)

(*)Các luật lệ phải theo lúc làm bài thi (như kiêng các tên húy cua> họ nhà vua...) Tú Xương lậ đận về khoa cử tới 8 lần...tức trên 20 năm

CẢM HỨNG


Xấp xỉ ba mươi mấy tuổi đầu
Trăm năm tính đốt hãy còn lâu.
Ví cho thi đỗ làm quan lớn
Thì cũng nhỏ to cưới chị hầu.
Đất nọ vẫn thường hay có chạch (1)
Bể kia có lúc cũng trồng dâu (2)
Hôm nay rỗi rãi buồn tình nhỉ
Thử xuống Hàng Thao đập ngón chầu.(3)

(1)Tục ngữ:"Đất sỏi chạch vàng "Ý nói đất tầm thường vẫn có thể sinh người tài giỏi
(2)Do câu "Biển xanh biến thành nương dâu "(thương hải biến vi tang điền )
(3)hàng thao :nơi có xóm cô đầu


CẢM TẾT


Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo!
Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chẩy,
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu .. ..
Thôi thế thì thôi, đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo!

CÁI NHỚ

Cái nhớ hình dung nó thế nào ?
Khiến người trong dạ ngẩn ngơ sao!
Biết nhau cho lắm thêm buồn nhỉ
Để khách bên trời dạ ước ao!

phu ong
01-29-2007, 06:00 PM
CÂU ĐỐI TẾT


Thiên hạ xác rồi, còn đốt pháo (1)
Nhân tình trắng thế, lại bôi vôi.(2)

-Không dưng, xuân đến chi nhà tớ?
-Có nhẽ trời mà đóng cửa ai!

Nực cười thay: Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết;
Thôi cũng được: Rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi!

Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh (3)
Năm mới khác gì năm cũ, van người bán muối với mua vôi.(4)

(1)Chú thích: Thiên hạ xác rồi, còn đốt pháo
Do câu "Tan như xác pháo"
(2)Chú thích: Nhân tình trắng thế, lại bôi vôi.
Cuối năm đón Tết, người ta rắc vôi bột trước nhà thành hình cánh cung, nỏ, giáo... để trừ ma quỉ.
"Nhân tình" ở đây có nghĩa: "cảnh người" tức cảnh sống gieo neo khốn khó của con người thời ấy.
"Trắng": bạc phếch, kiệt quệ.
(3)Chú thích: Xuân về chớ để xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh
Giữ xuân cho khỏi hè nồng (quạt) và đông rét (ấp lạnh).
(4)Chú thích: Năm mới khác gì năm cũ, van người bán muối với mua vôi.
Do câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi".

CÂU ĐỐI THAN THÂN

Nợ có chết ai đâu, chửi chó mắng mèo eo óc;
Trời để sống ta mãi, lên xe xuống ngựa có phen.

Trúc báo bình an, nỡ để vun trồng bên kẽ ngạch;
Cò nhiều văn tự, cớ sao lặn lội ở bờ sông? (*)
*Chú thích: Cò nhiều văn tự
Cò "giàu" vì bán nhiều ruộng cho vạc, có văn tự đeo ở cổ ? (truyện cổ tích).

CÔ HẦU TRÁCH QUAN LỚN

Chỉ trách người sao chẳng trách mình ?
Mình trung đâu đấy, trách người trinh ?(1)
Áo dầy cơm nặng bao nhiêu đứa ?
Chiếu cạnh giường bên, mấy hột tình ?
Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét
Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh!(2)
Cổ cong mặt lệnh, người đâu thế ?(3)
Cái cóc bôi vôi khéo dại hình!

(1)Chú thích: Mình trung đâu đấy, trách người trinh ?
Một viên quan vì giỏi nịnh Tây mà có địa vị, đuổi một cô hầu vì cho cô lẳng lơ.
(2)Chú thích: Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh!
Tác giả mượn lời cô hầu để vạch mặt viên quan này quên đất nước.
(3)Chú thích: Cổ cong mặt lệnh, người đâu thế ?
Cổ bự như cái cong đựng nước, mặt to như cái lệnh làng : hạng người bị thịt thô bỉ.

CÔ TÂY ĐI THI

Rứt cái mề đay ném xuống sông
Thôi thôi tôi cũng "mét xì" ông!
Âu đành chùa đó, âu đành phật
Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng.
Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ
Ai ngờ chữ "sắc" hoá ra "không"!(1)
Tôi đây cũng muốn như cô nhỉ
Cái nợ trầu duyên rũ chửa xong.(2)

(1)Chú thích: Ai ngờ chữ "sắc" hoá ra "không"!
Ý nói: có hoá thành không.
(2)Chú thích: Cái nợ trầu duyên rũ chửa xong.
Ý nói: chưa dứt được nợ vợ chồng đã cưới nhau từ trước.

CHẾ ÔNG ĐỐC HỌC

Ông về đốc học đã bao lâu,
Cờ bạc rong chơi rặt một màu!
Học trò chúng nó tội gì thế
Để đến cho ông vớ được đầu ?

Đốc học Nam Định lúc bấy giờ.

CHẾ ÔNG HUYỆN Đ

Thánh cắt ông vào chủ việc thi (1)
Đêm ngày coi sóc chốn trường qui.
Chẳng hay gian dối vì đâu vậy ?
Bá ngọ thằng ông biết chữ gì! (2)

Ông huyện Đ được cử làm chủ một kì thi khảo của hội thánh thành Nam.

(1)Chú thích: Thánh cắt ông vào chủ việc thi
Việc cử ông chủ thi thông qua cuộc lễ thánh (xin quẻ).
(2)Chú thích: Bá ngọ
Tiếng chửi của nhà sư

CHỢT GIẤC

Nằm nghe tiếng trống trống canh ba
Vừa giấc chiêm bao cbợt tỉnh ra.
Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta ?

CHƯỞI CẬU ẤM


Ấm Kỉ này đây, tớ bảo này:
Cha con mày phải cái này cay!
Thôi đừng điếu tráp nghênh ngang nữa,
Thằng tiểu Phù Long nó chửi mày (*)

(*)Chú thích: chửi mày
Tác giả chơi chữ: "chửi mày" nghĩa là ..."đù mẹ mày!"

CHỮ NHO


Nào có ra gì cái chữ nho!
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm ông phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!

CHÚ MÁN

Phong lưu nhất ai bằng chú Mán (*)
Trong anh em chúng bạn kém thua xa.
Buổi loạn li bốn bể không nhà
Răng chẳng nhuộm, vợ chẳng lấy, lụa là chẳng mặc.
Mán chỉ làm đủ tiền tiêu vặt
Khi cao lâu, khi cà phê, khi nước đá,
khi thuốc lá, khi đủng đỉnh ngồi xe
Sự đời Mán chẳng buồn nghe.

(*)Chú thích: chú Mán
Một người đến ở Nam Định, làm nghề chở lợn thuê ở chợ Vị Hoàng. Nhưng tính cách có nhiều nét lạ, như một kẻ ngông và phớt đời. Tú Xương nhân lấy chú làm nhân vật trong thơ của mình.