CHÍNH KHÍ TRỜI NAM
Việt Lang Ngô Nhân Kiệt
https://vnkings.com/chinh-khi-troi-nam.html


Truyện đọc: Chính Khí Trời Nam .
Tác giả: Việt Lang Ngô Nhân Kiệt.
Thể loại: Võ hiệp, kiếm hiệp, dã sử Việt Nam.
Tình trạng: Đang sáng tác.
Nội dung: Truyện dùng lịch sử Việt Nam thời nhà Lý làm bối cảnh, chín phần thuần Việt.
Mục đích: Thực hiện ý tưởng viết truyện võ hiệp Việt Nam.
Hình bìa: Hình bìa của nhóm VietToon, Hoa Hoa Tự Vũ thiết kế tựa.
Giới hạn: Dành cho độc giả 16 tuổi trở lên và có tính kiên nhẫn.
Lưu ý: Tác giả giữ bản quyền, phải hỏi qua ý nếu muốn sao chép lên web khác.

~oOo~

Cốt truyện:
Thời thế tạo anh hùng
Hay anh hùng dựng nên thời thế
Đường vinh nhục nào dễ đi qua
Cung thương cát bụi quan hà
Những ai từng trải mới là trượng phu.

Giới thiệu tác phẩm: Chín đại bang phái quy phục. Mười vị đường chủ tài hoa. Hơn vạn người võ công cao cường ngày đêm túc trực. Suốt ba mươi năm dài Long Võ Trang không có đối thủ dưới sự lãnh đạo của vị minh chủ tài kiêm văn võ. Tất cả sức mạnh và uy quyền đó dùng để canh giữ một tù nhân vô cùng nguy hiểm dưới địa lao.

Lợi dụng đêm mưa gió và sự ngủ quên trên chiến thắng của Long Võ Trang, một đoàn người bí mật đột nhập để cướp tù.

Họ đã thành công. Tù nhân được giải thoát. Một trận chiến kinh hồn diễn ra. Thây người ngã đống, lửa dậy tư bề, sát khí bừng bừng bao phủ cả một vùng trời đất rộng lớn.

Nếu Long Võ Trang thua trận, võ lâm Trời Nam sẽ ra sao?

Ngoài đảo Bạch Long Vỹ, Nam Hải Long Vương nuôi mộng trở về đất liền để tranh cường. Các bọn vong mạng cùng bang phái lớn nhỏ trên biển rộng được tụ tập để lập liên minh và gây thế lực.

Giao Long Bang tuy có lịch sử ngàn năm oai hùng nhưng gần đây lại rất yếu. Yếu mà lại có hùng tâm, chưa biết đó là phúc hay họa.

Hễ có chính thì có tà, có sáng thì có tối. Mộng đồ vương lúc nào cũng có kẻ ngấp nghé bầy mưu.

~oOo~

Thân Em

“Thân em như tấm lụa đào
“Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
“Hay là bởi tại ông mai
“Đường tơ đứt nối làm phai má hồng

“Đêm đêm hương giá lạnh như đồng
“Có tâm sự gởi lòng với gió mây
“Ai anh hào, ai hiệp khách, ai hay?
“Sao ai nỡ đọa đày nơi tuyệt cảnh

“Vạn cổ hồng nhan đa khổ nạn
“Thiên niên quốc sắc thiểu an thường

“Gót giang hồ vỡ mộng cánh uyên ương
“Đời cô lữ đau thương trong tủi hận
“Trong trời đất đâu là ân ân oán oán
“Lão trời già cảm thán cũng quá xa

“Muôn đời trong kiếp phong ba.”
‒ Đào Thiên Hương, Chương 02

~oOo~

Khóc Chồng

“Buồn trông tơ nhện vấn vương
“Tình chàng, nghĩa thiếp ai hơn ai dầy
“Kể từ lá thắm đến nay
“Ân kia thêm trọng, tình này càng sâu
“Chim uyên gẫy cánh vì đâu
“Chàng ra thiên cổ thiếp sầu phòng ương
“Nào người gây cuộc tang thương
“Nào người gây cảnh đoạn trường là ai
“Mai sau thiếp xuống tuyền đài
“Xin chàng đừng trách thiếp sai lời nguyền
“Nguyền rằng cùng tử cùng sinh
“Đời đời kiếp kiếp đôi mình chẳng xa
“Nhưng vì cha mẹ tuổi già
“Theo chàng cất bước xót xa hỡi chàng
“Con ơi con ngủ cho ngoan
“Thân trai phải biết lo toan nước nhà
“Dù đời bão tố phong ba
“Nếu không sấm động, cũng là trần ai
“Trông vào, vào một ngày mai
“Đứa con nở mặt vươn vai với đời
“Đợi khi nó lớn thành người
“Thiếp xin tiếp mối tình đôi với chàng.”
‒ lời ca của người quả phụ, Chương 07

~oOo~

Nguyệt Hạ Trường Yên

“Trường Yên dạ lãng nguyệt quang minh
“Cân quắc anh hùng viễn lý chinh
“Chu thượng tâm hoài an thệ nguyện
“Thế nhân thùy hữu thức tri tình

“Trường Yên vân tán nguyệt thanh minh
“Giang khởi ba đào nịch chúng sinh
“Khổ thủy vô biên hà đáo ngạn
“Thế nhân thùy hữu thức tri tình

“Trường Yên tịch tịch nguyệt minh minh
“Oán khí sa trường vạn dặm kinh
“Ẩm hận phong trần vô tự tại
“Thế nhân thùy hữu thức tri tình

“Trường Yên cô địa nguyệt cô minh
“Thắng bại tư nghì định nhục vinh
“Ly loạn tương tranh nhiêu thống khổ
“Thế nhân thùy hữu thức tri tình”
‒ Trần Triệu Quốc Nguyệt, Chương 12

~oOo~

Đôi lời của tác giả: Truyện “Chính Khí Trời Nam” này tôi bắt đầu sáng tác vào cuối tháng 7 năm 2007. Là một tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, tôi dùng triều đại vua Lý Nhân Tông làm bối cảnh. Đây cũng là một truyện kiếm hiệp do người Việt viết nên không khỏi bị ảnh hưởng từ những tác phẩm Trung Quốc. Tuy nhiên tôi có thể tự hào cho rằng truyện tiểu thuyết lịch sử mà nhiều “thuyết” hơn “sử” này có nội dung đến chín phần thuần Việt.

Vì không phải là nhà văn chuyên nghiệp, từ đó đến nay tôi đã sửa lại cốt truyện nhiều lần và mỗi lần nội dung càng được sâu rộng hơn. Đó là chưa kể có một thời gian dài tôi ngưng viết truyện nhưng trong lòng vẫn ấp ủ và mang hoài vọng một ngày nào đó tôi sẽ hoàn thành. Tôi dùng rất nhiều sự tích quân sự, lịch sử cùng sự kiện Việt Nam vào triều Lý trở về trước làm ẩn ý trong truyện. Trong văn học Việt Nam, truyện dã sử và lịch sử thật sự không nhiều. Những tác phẩm đi trước đa phần nội dung còn thô sơ. Tôi không tự cho mình làm những điều mới mẻ hoặc có ý đả kích ai. Tôi chỉ mong tác phẩm này, một ngày nào đó khi hoàn thành, sẽ góp phần nhỏ vào để làm rạng rỡ thể loại tiểu thuyết dã sử Việt Nam hơn.

Ngoại trừ chương 1, những chương sau trung bình 15 ngàn chữ. Mỗi tuần tôi sẽ đăng một chương cho đến hết số chương đã viết xong. Sau đó sẽ tùy thuộc vào sự sáng tác nhanh chậm và thời gian của tác giả.

Thân ái,
Việt Lang Ngô Nhân Kiệt

~oOo~

Tài Liệu Lịch Sử Việt Nam:
– “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim.
– “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của Ngô Sĩ Liên.
– Wikipedia (www.wikipedia.org).
Là ba nguồn chính. Ngoài ra tôi còn dùng những truyện cổ tích dân gian Việt Nam như Phù Đổng Thiên Vương, Sơn Tinh Thủy Tinh, Ông Đùng Bà Đùng, Lý Ông Trọng, Trăm Trứng Trăm Con và nhiều sự tích riêng của những anh hùng lịch sử Việt Nam.

Những Nguồn Tài Liệu Khác:
– Sách Đỏ Việt Nam.
– Viện Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam (www.vafs.gov.vn).
– Ban Quản Lý Dự Án Lâm Nghiệp (www.daln.gov.vn).
– Food and Agriculture Organization of the United Nations (www.fao.org).
– Plant Resources of Tropical Africa (www.prota4u.org).
– Encyclopedia of Life (www.eol.org).
– IUCN Red List (www.iucnredlist.org).
– Catalogue of Life (www.catalogueoflife.org).
– Wood Database, The (www.wood-database.com).
– Cambodia Tree Seed Project (www.treeseedfa.org).
– India Biodiversity Portal (www.indiabiodiversity.org).
– Forest Trends (www.forest-trends.org).
– World Agroforestry Centre (www.worldagroforestry.org).
– TV Tropes (http://tvtropes.org).
Và còn rất nhiều nguồn tài liệu khác nữa.